Những năm gần đây, huyện Võ Nhai được biết đến như một vùng chuyên canh cây ăn quả trên địa bàn tỉnh với một số cây ăn quả đặc sản như: Na, nhãn, bưởi, ổi tập trung tại các xã: Tràng Xá, La Hiên, Lâu Thượng, Phú Thượng, Dân Tiến… với sản lượng gần 12 nghìn tấn/năm… Qua thống kê, toàn huyện hiện có khoảng 2000 nghìn ha cây ăn quả và diện tích này đang tiếp tục được mở rộng theo định hướng của tỉnh. Cùng với đó thì huyện đã có 12 sản phẩm nông nghiệp đạt OCOP, trong đó có 02 sản phẩm đạt OCOP 4 sao với 58 hợp tác xã, 15 làng nghề hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp. Điều này cho thấy cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện tiếp tục được chuyển dịch đúng hướng. Các dự án, mô hình được triển khai tích cực, hiệu quả, từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: Cây ăn quả, chè VietGap, dược liệu… cụ thể như: Vùng trồng chè tại các xã: Tràng Xá, Liên Minh, Thần Sa, Cúc Đường, La Hiên, Bình Long, Phú Thượng, Lâu Thượng với diện tích trên 1.300 ha, sản lượng đạt trên 13.000 tấn; trong đó gần 150 ha được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, cho thu nhập từ 280 đến 320 triệu đồng trên 01ha.
Vùng trồng na tại các xã: La Hiên, Lâu Thượng, Phú Thượng, thị trấn Đình Cả, Tràng Xá, Dân Tiến với diện tích gần 1000 ha; sản lượng khoảng trên 6000 tấn, giá trị đạt 420 triệu đồng/1ha. Vùng trồng bưởi tại các xã: Tràng Xá, Phú Thượng, Dân Tiến... với diện tích trên 450 ha; sản lượng khoảng 2.700 tấn/năm, cho thu nhập khoảng từ 280 đến 320 triệu đồng /1ha. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn tập trung phát triển vùng trồng ổi, cam, quýt, nhãn, thanh long với diện tích khoảng gần 500 ha tại các xã: Phú Thượng, Lâu Thượng, La Hiên, Tràng Xá, Dân Tiến...cho thu nhập khoảng 250 triệu đồng /1ha, đặc biệt là cây Ổi thì cho thu nhập cao hơn cả, vì ổi cho thu hoạch quanh năm (khoảng 400 triệu đồng/1ha). Vùng trồng cây dược liệu, chủ yếu ở các xã phía Bắc của huyện với các loại cây dược liệu như: Quế, Giảo cổ lam, Ba kích, Khôi nhung, cát sâm, sâm bố chính, sạ cam (dẻ quạt), đẳng sâm.... Hiện nay trên địa bàn huyện đã có 1 số sản phẩm dược liệu được sản xuất, chế biến đưa ra thị trường như: Trà Giảo cổ lam của Công ty TNHH thương mại và sản xuất Dược thảo Hòa Bình, thị trấn Đình Cả; trà hoa đu đủ của HTX nông sản an toàn Liên Minh; các sản phẩm cao dược liệu của Công ty TNHH cây thuốc và vị thuốc xã La Hiên...
Theo đánh giá, tăng trưởng về diện tích, sản lượng cây ăn quả trong những năm gần đây đã góp phần tăng trưởng mạnh mẽ giá trị sản xuất trên 1ha đất trồng trọt trên địa bàn huyện. Nếu như năm 2015, giá trị sản xuất trên 1ha đất trồng trọt trên địa bàn huyện chỉ đạt trung bình trên 57 triệu đồng thì đến hết năm 2022 đã đạt 102 triệu đồng, tăng 78% so với năm 2015. Huyện Võ Nhai đặt mục tiêu phát triển thành vùng trọng điểm cây ăn quả của tỉnh với diện tích cây ăn quả khoảng 2,5 nghìn ha vào năm 2025. Để đạt được mục tiêu này, huyện chỉ đạo các địa phương tiếp tục mở rộng diện tích trồng cây ăn quả trên địa bàn. Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn đến năm 2030 trình các cấp thẩm quyền phê duyệt. Huyện Võ Nhai đề xuất trên 1.343 ha đất nông nghiệp chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất trong nội bộ đất nông nghiệp. Diện tích này là điều kiện cần để Võ Nhai hoàn thành mục tiêu án phát triển vùng sản xuất cây ăn quả tập trung, nâng cao thu nhập cho người nông dân, đẩy mạnh phát triển kinh tế tiến tới đưa Võ Nhai trở thành vùng trọng điểm cây ăn quả của tỉnh.
Để các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương được nhiều người biết đến. Hàng năm, Phòng Nông nghiệp huyện đều phối hợp với các cơ quan, đơn vị tham mưu UBND huyện tập trung hỗ trợ các hợp tác xã, làng nghề, tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn huyện tham gia trưng bày, giới thiệu và quảng bá sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tại các Hội chợ, triển lãm trong và ngoài địa bàn tỉnh. Nhờ đó đến nay đã có các sản phẩm OCOP và sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của các hợp tác xã trên địa bàn huyện được xuất khẩu và trưng bày tại một số quốc gia như: Sản phẩm nõn măng nứa Võ Nhai đạt OCOP 4 sao của HTX nông sản Võ Nhai được giới thiệu và quảng bá tại các quốc gia như Singapore, Nhật Bản, Đức...(năm 2022 đã có trên 3 tấn sản phẩm được được xuất sang các thị trường nêu trên).
Thời điểm hiện tại, cứ mỗi ngày HTX chế biến nông sản Võ Nhai sản xuất và đưa ra thị trường gần 1000 hộp măng nứa sấy khô với giá bán trung bình 250.000đ/1 hộp và 2.000 túi măng tươi, với giá bán là 40.000đ/01 túi 500g. Sản phẩm bún khô đạt OCOP 3 sao của HTX mỳ bún khô Tiến Diện được giới thiệu, quảng bá và bán sang thị trường quốc tế như: Philippines, Đức, Đài Loan... (năm 2022 đã có trên 20 tấn sản phẩm được xuất bán sang thị trường Đức và Philippines...). Sản phẩm chè, na của các hợp tác xã đã được đăng ký và tiêu thụ sản phẩm trên sàn giao dịch thương mại điển tử trong và ngoài địa bàn tỉnh...Về đầu tư chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, Huyện Võ Nhai đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo ban hành Đề án Phát triển nông, lâm nghiệp huyện Võ Nhai giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đề án đã xác định rõ quan điểm, mục tiêu phát triển, các nội dung, lộ trình và giải pháp phát triển nông nghiệp, nông thôn của huyện, đồng thời tập trung phát triển các sản phẩm có thế mạnh của địa phương với tổng kinh phí đầu tư cho cả giai đoạn là 08 tỷ đồng từ ngân sách huyện. Về hỗ trợ phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, tiêu biểu của địa phương. Trên cơ sở các chính sách hỗ trợ phát triển các sản phẩm chủ lực của tỉnh, trong 3 năm huyện Võ Nhai đã tập trung triển khai hỗ trợ như: Hỗ trợ giá giống tiến bộ kỹ thuật trồng mới cây na, cây bưởi, cây nhãn 200 ha với kinh phí hỗ trợ là: 3.400.000.000đồng, từ nguồn ngân sách tỉnh và huyện. Hỗ trợ chứng nhận VietGAP cho cây ăn quả chủ lực trên 450 ha, kinh phí hỗ trợ trên 2.100.000.000đ và trên 50% diện tích cây ăn quả tập trung của huyện đã được sản xuất theo hướng hữu cơ. Có trên 400 ha chè được lắp hệ thống tưới tiết kiệm nước và trên 250 ha chè được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, trên 60% diện tích chè tập trung được người dân sản xuất theo hướng hữu cơ và được sao sấy bằng công nghệ tiên tiến, có tem mác sản phẩm truy xuất trên thị trường trong và ngoài tỉnh.Trồng mới trên 400 ha cây dược liệu các loại như cây: Quế, chè hoa vàng, khôi nhung, cát sâm... từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và nguồn ngân sách huyện.
Xét về giá trị kinh tế, mỗi năm cây ăn quả của huyện Võ Nhai đem về hàng trăm tỷ đồng doanh thu cho bà con nông dân địa phương. Trong đó, chỉ tính riêng cây na với diện tích gần 1000ha tập trung ở các xã: La Hiên, Lâu Thượng, Phú Thượng, Tràng Xá mỗi năm đem về cho huyện vùng cao hàng 100 tỷ đồng doanh thu với sản lượng khoảng trên 6 nghìn tấn. Doanh thu đạt cao và rất được người tiêu dùng ưa chuộng là bởi chất lượng của na Võ Nhai thơm, ngon, đậm vị. Theo các tài liệu về Y học cổ truyền và nhiều nghiên cứu hiện đại quả Na không chỉ thơm ngon mà còn giàu Vitamin C, Magiê, Vitamin B6 và Sắt giúp cho cơ thể ngăn ngừa huyết áp cao, thúc đẩy tiêu hóa tốt, chống viêm, tăng cường khả năng miễn dịch và có lợi cho sức khỏe của mắt… Có thể nói, hiệu quả từ việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng và lựa chọn được cây trồng phù hợp đã giúp huyện Võ Nhai giảm bình quân trên 5% số hộ nghèo mỗi năm, năm 2016 tỷ lệ hộ nghèo của huyện là 31,86% đến năm 2021 giảm xuống còn 6,5%. Đây cũng là một trong những địa phương có tỷ lệ hộ nghèo giảm cao nhất ở tỉnh Thái Nguyên trong giai đoạn 2016 - 2021.
Nhằm nâng cao giá trị nông sản gắn với xây dựng thương hiệu, đồng thời, hàng năm huyện Võ Nhai đã phối hợp với Sở Công thương tổ chức Chương trình xúc tiến, kết nối tiêu thụ sản phẩm Na Võ Nhai và nông sản tỉnh Thái Nguyên. Chương trình này được triển khai liên tục qua các năm, và trở thành nơi giao lưu, gặp gỡ, quảng bá sản phẩm, trao đổi kinh nghiệm về sản xuất, kinh doanh, ứng dụng khoa học kỹ thuật, xây dựng phát triển thương hiệu, mở rộng mạng lưới phân phối, tiêu thụ sản phẩm nông sản giữa các doanh nghiệp địa phương trong và ngoài tỉnh với các nhà phân phối, trung tâm thương mại, hệ thống các siêu thị, các nhà xuất khẩu, tập đoàn, doanh nghiệp lớn… giúp tăng cường liên doanh, liên kết, phát triển sản xuất nông nghiệp, du lịch, dịch vụ… thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm qua các kênh phân phối đa dạng. Chỉ tính riêng năm 2021, sau thời gian triển khai Chương trình, đã có trên 80 tấn quả na được hỗ trợ kết nối tiêu thụ; hoàn thiện, bàn giao 11 gian hàng nhận diện “Điểm kết nối, tiêu thụ sản phẩm quả na” tại các siêu thị, trung tâm thương mại, vị trí đông người qua lại; tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ đặt hàng cho gần 2.000 khách hàng. Đã có hàng chục nghìn lượt theo dõi, tương tác, truy cập thông tin qua các kênh truyền thông: Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), Thông tấn xã Việt Nam; Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Thái Nguyên, Facebook, Zalo…
Về chương trình kết nối, tiêu thụ sản phẩm Na. Đến năm 2022, Chương trình tiếp tục đạt được nhiều thành công lớn khi có sự tham gia, hưởng ứng của 9/9 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh tham gia trưng bày, kết nối sản phẩm Na và nông sản của tỉnh, góp phần mở rộng giao lưu, quảng bá các thành tựu kinh tế - xã hội, xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch giữa các địa phương, phát triển thị trường và đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Trong khuôn khổ buổi lễ khai mạc Chương trình đã diễn ra Lễ ký kết hợp tác cung ứng, tiêu thụ sản phẩm nông sản tỉnh Thái Nguyên với đại diện lãnh đạo trung tâm Xúc tiến Thương mại và các siêu thị lớn trong tỉnh như Siêu thị Minh Cầu, siêu thị Aloha... Đây là cầu nối đưa các sản phẩm nông sản chất lượng nhất đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Chương trình thu hút khoảng 3.000 lượt khách tham quan, mua sắm.
Công tác truyền thông, đưa sản phẩm lên Sàn Giao dịch thương mại điện tử tỉnh Thái Nguyên và các sàn thương mại điện tử khác; hỗ trợ kỹ thuật và hệ thống mã QRcode để truy xuất nguồn gốc sản phẩm; đưa vào phân phối trong hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại; đưa tin bài trên báo chí địa phương và các trang mạng xã hội… đã góp phần nâng tầm thương hiệu và nâng cao giá trị sản phẩm quả Na của Võ Nhai cũng như nông sản tỉnh Thái Nguyên, định hướng sẽ tiếp tục vươn xa hơn, trở thành thương hiệu xứng tầm trong cả nước, hướng đến xuất khẩu. Thông qua công tác tổ chức Chương trình xúc tiến, kết nối tiêu thụ sản phẩm Na Võ Nhai và các sản phẩm nông sản tỉnh Thái Nguyên, năm 2023 huyện Võ Nhai mong muốn tiếp tục mở rộng giao lưu, hợp tác, hội nhập, quảng bá thành tựu phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch với các huyện bạn trong và ngoài tỉnh, đưa số lượng khách tham quan, mua sắm, kết nối đạt tỷ lệ cao hơn.
Thu Viền (Trung tâm Văn hóa, Thể thao - Truyền thông huyện)
© Copyright 2025 by Nông sản Võ Nhai. All Rights Reserved.